Nguyên tắc liêm chính học thuật

CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Quy định này được ban hành nhằm nâng cao các nguyên tắc liêm chính học thuật trong nghiên cứu khoa học của cán bộ, nhân viên, giảng viên (CB-NV-GV) thuộc Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An (gọi tắt là Trường).

Định hướng các đối tượng áp dụng tuân thủ các chuẩn mực trong nghiên cứu khoa học.

Xây dựng và duy trì môi trường học thuật đề cao tính trung thực, đảm bảo liêm chính học thuật và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường.

Nâng cao uy tín học thuật và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học và của Trường trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định việc thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học bao gồm: Đề tài nghiên cứu khoa học; bài báo khoa học; bài tham luận, bài nghiên cứu và báo cáo kết quả nghiên cứu trong các hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài Trường.

Đối tượng áp dụng

Cán bộ, nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên thuộc Trường đang làm việc, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được Trường giao.

CHƯƠNG II: NGUYÊN TẮC LIÊM CHÍNH HỌC THUẬT TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Điều 3: Giải thích thuật ngữ

Liêm chính học thuật: Liêm chính học thuật là sự trung thực, ngay thẳng và có trách nhiệm trong các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Vi phạm liêm chính học thuật: Vi phạm liêm chính học thuật là hành vi sai trái, ngược lại với ý nghĩa chân chính nghiên cứu học thuật như: Đạo văn, bịa đặt, gian lận, giúp người khác vi phạm.

Hoạt động nghiên cứu khoa học: Hoạt động nghiên cứu khoa học trong phạm vi văn bản này được hiểu là các nghiên cứu liên quan đến cán bộ, giảng viên, nhân viên thuộc Trường.

Sản phẩm khoa học: Sản phẩm khoa học được tạo ra trong quá trình thực hiện các hoạt động khoa học bao gồm: Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; thực hiện bài báo khoa học; viết bài tham luận, bài nghiên cứu và báo cáo kết quả nghiên cứu trong các hội nghị, hội thảo khoa học được tổ chức trong nước hoặc tổ chức ở nước ngoài và các hoạt động có liên quan.

Người nghiên cứu: Người nghiên cứu trong quy định này được hiểu là những người tham gia hoặc chủ trì tạo ra các sản phẩm khoa học thuộc Khoản 4 điều này.

Điều 4. Nguyên tắc liêm chính học thuật trong nghiên cứu khoa học

Người nghiên cứu phải có ý thức tuân thủ các nguyên tắc liêm chính khoa học để tránh xảy ra những vi phạm trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhà trường kết hợp chặt chẽ các biện pháp truyền thông, ngăn ngừa, phát hiện trong đó đặc biệt chú trọng đến biện pháp giáo dục, hướng dẫn và đào tạo kỹ năng nhằm đảm bảo liêm chính khoa học trong các hoạt động nghiên cứu.

Chất lượng và uy tín trong nghiên cứu khoa học là thước đo trình độ và năng lực học thuật mà mỗi thành viên tại Trường có trách nhiệm giữ gìn, thực thi trong việc bảo vệ đạo đức liêm chính trong khoa học bao gồm:

Trung thực trong mọi khía cạnh của nghiên cứu.

Có trách nhiệm khi tiến hành nghiên cứu.

Công bằng và chuyên nghiệp khi đồng nghiên cứu với tác giả khác.

Quản lý và bảo vệ tốt việc nghiên cứu khi nhân danh tác giả khác.

Điều 5. Trách nhiệm của người nghiên cứu

Người nghiên cứu phải có trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Tính trung thực: Người nghiên cứu phải có trách nhiệm về tính tin cậy trong nghiên cứu của mình.

- Tuân thủ các quy định: Người nghiên cứu phải  tuân thủ quy định và chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học. Người nghiên cứu phải đảm bảo tính trung thực, sự tin cậy trong các sản phẩm học thuật của mình.

- Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu phải được sử dụng một cách hợp lý, dựa trên các luận cứ khoa học, những phát hiện mới phải được báo cáo và giải thích một cách đầy đủ, trung thực, khách quan.

- Kết quả nghiên cứu: Người nghiên cứu được khuyến khích chia sẻ công khai dữ liệu và kết quả nghiên cứu ngay sau khi nhà khoa học có cơ hội được xuất bản các ấn phẩm trong nước và ấn phẩm quốc tế.

- Hồ sơ nghiên cứu: Người nghiên cứu có nghĩa vụ lưu trữ đầy đủ, chi tiết, rõ ràng và chính xác quá trình thực hiện và kết quả đạt được sau thời gian nghiên cứu để người khác có thể thẩm định hay tái lập kết quả nghiên cứu. 

- Quyền tác giả: Danh sách tác giả phải bao gồm tất cả các cá nhân có tham gia, đóng góp vào các hoạt động liên quan đến công trình nghiên cứu bao gồm xin tài trợ, báo cáo và thuyết trình nghiên cứu.

- Lời cảm tạ: Người nghiên cứu phải có trách nhiệm ghi nhận đóng góp của các cá nhân hay tổ chức có tham gia vào công trình nghiên cứu, bao gồm tên và vai trò của họ trong việc hỗ trợ nghiên cứu như nhà tài trợ, người đọc và góp ý cho ấn phẩm và những đối tượng liên quan khác nhưng không phải là đồng tác giả nghiên cứu.

- Phản biện trước xuất bản (Peer Review): Người nghiên cứu khi tham gia phản biện trước xuất bản phải có trách nhiệm cung cấp các đánh giá một cách công bằng, kịp thời nghiêm ngặt và tôn trọng tính bí mật khi bình duyệt công trình nghiên cứu của người khác.

- Xung đột lợi ích: Người nghiên cứu nên công khai các xung đột về tài chính hay các vấn đề liên quan có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của nghiên cứu trong các đề cương nghiên cứu, ấn phẩm xuất bản, truyền thông đến công chúng cũng như trong các hoạt động bình duyệt.

- Trách nhiệm xã hội: Người nghiên cứu cần có nghĩa vụ đạo đức khi cân nhắc những lợi ích đem lại cho xã hội và những rủi ro nghề nghiệp vốn có lên trên những lợi ích cá nhân trong quá trình nghiên cứu.

Điều 6. Một số hành vi bị cấm trong nghiên cứu khoa học

Để từng bước nâng cao chất lượng của các công trình nghiên cứu, người nghiên cứu phải tuân thủ các quy định về trích dẫn, tài liệu tham khảo, nguồn dữ liệu, tuân thủ quy định tối đa các điều kiện về tính tương đồng, trùng lắp theo quy định mà Trường đã công bố.

Người nghiên cứu tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung nghiên cứu, bản quyền sử dụng tài liệu, dữ liệu, hình ảnh, bản quyền được sử dụng trong nghiên cứu của mình. Các tài liệu tham khảo được sử dụng trong nghiên cứu cần được trích dẫn, liệt kê đầy đủ và chi tiết ở phần danh mục tài liệu tham khảo. Các thông tin cá nhân của người được trao đổi, thảo luận nếu được đưa vào bài viết phải được sự chấp thuận của người được trao đổi, thảo luận.

Những hành vi bị cấm trong nghiên cứu khoa học là hành vi sử dụng các công cụ không trung thực để đạt được lợi ích hay lợi thế cho người nghiên cứu, nhóm nghiên cứu hay người khác một cách không công bằng trong các hoạt động nghiên cứu. Những hành vi bị cấm cụ thể là hành vi đạo văn trong nghiên cứu khoa học.

Đạo văn là việc sử dụng có hoặc không có chủ ý của người nghiên cứu các sản phẩm học thuật về các câu văn, đoạn văn, bài viết, số liệu, hình ảnh, thông tin và ý tưởng của người khác vào các sản phẩm của mình mà không có những trích dẫn/thừa nhận từ tác giả của những nội dung đã sử dụng. Đạo văn là một lỗi nghiêm trọng về tiêu chuẩn đạo đức khoa học mà luật pháp và các cơ sở đào tạo không thể bỏ qua. Đạo văn được thực hiện dưới nhiều hình thức:

- Sao chép một lượng nhất định tác phẩm của người khác (bao gồm cá nhân, nhóm người, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức khác) mà không trích dẫn nguồn cụ thể.

- Sao chép quá nhiều công trình nghiên cứu của người khác (mặc dù có trích dẫn nguồn) để hình thành nên công trình của bản thân.

- Cung cấp không chính xác về tác giả, nguồn của thông tin được trích dẫn công bố công trình của người khác.

- Trình bày lại, chỉnh sửa ý tưởng của người khác dưới cách hành văn cá nhân.

- Sử dụng thiết kế, biểu đồ, tác phẩm, dữ liệu của người khác mà không nêu rõ nguồn tham khảo bao gồm cả các nghiên cứu/bài báo có tính chất thương mại mua bán trên thị trường, trên mạng.

- Việc sử dụng các phần quan trọng của những sản phẩm học thuật của mình đã công bố vào những sản phẩm học thuật mới do mình là tác giả hoặc đồng tác giả mà không ghi rõ nguồn, gọi là “tự đạo văn” bao gồm việc xuất bản một bài báo giống hệt nhau trên nhiều tạp chí, hoặc thêm một lượng nhỏ dữ liệu mới vào một bài báo đã xuất bản trước đó. Ngoài ra, tự đạo văn được xem là sử dụng từ 30% nội dung một công trình nghiên cứu của chính mình và các công trình khoa học khác do mình là tác giả hoặc đồng tác giả.

- Trường sử dụng phần mềm chuyên dụng để kiểm tra tính trùng lắp, sao chép trong các sản phẩm khoa học và chỉ rõ nguồn đã được sao chép.

CHƯƠNG III: XỬ LÝ VI PHẠM LIÊM CHÍNH HỌC THUẬT TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Điều 7.  Xử lý vi phạm có liên quan liêm chính học thuật

Xử lý hành vi đạo văn trong nghiên cứu khoa học:

Một số từ, câu, nội dung trích dẫn được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài từ 30% của toàn bộ sản phẩm sẽ bị coi là vi phạm quy định về liêm chính học thuật.

Căn cứ vào mục đích, yêu cầu, đặc thù của từng thể loại sản phẩm khoa học cụ thể, công cụ xác định mức độ trùng lặp và hình thức xử lý được quy định cụ thể tại Phụ lục 1, 2, 3 kèm theo Quy định này.

Trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo về vi phạm liêm chính học thuật đối với sản phẩm khoa học đã công bố của người nghiên cứu tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường. Trong trường hợp này tùy theo mức độ, Hiệu trưởng sẽ ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liêm chính học thuật của sản phẩm khoa học có liên quan, xem xét tính chính xác của hành vi và mức độ vi phạm. Thành phần Hội đồng sẽ do Phòng Thanh tra, Pháp chế và Phòng Tổ chức Hành chính và Tổng hợp căn cứ vào nội dung khiếu nại, tố cáo cụ thể trình Hiệu trưởng phê duyệt. Hội đồng sau khi được thành lập sẽ triển khai thẩm định, quyết định các hình thức xử lý theo quy định.

Trong trường hợp các sản phẩm khoa học đã qua khâu sơ duyệt hoặc đang trong các vòng bảo vệ, phản biện, biên tập, duyệt đăng, xuất bản nếu chính bản thân người nghiên cứu hoặc những thành viên trong nhóm nghiên cứu phát hiện ra bất kỳ sự vi phạm về tiêu chuẩn đạo đức, xung đột về lợi ích, xung đột về vai trò sự đóng góp của các tác giả trong nhóm nghiên cứu, xung đột về chính sách khác thì cần phải thông báo đến Trường bằng văn bản và kèm theo các minh chứng vi phạm. Trường sẽ xem xét và có kết luận về việc rút/hủy bài nghiên cứu, không tiếp tục các khâu khác theo các quy trình công việc nghiên cứu và thông báo đến người nghiên cứu (chủ nhiệm đề tài hoặc tác giả liên lạc). Trong trường hợp bài nghiên cứu bị kết luận vi phạm, bài nghiên cứu sẽ bị rút khỏi cơ sở dữ liệu của Trường.

Trường sẽ thông báo đến người nghiên cứu qua email các công trình nghiên cứu bị rút và lý do vi phạm các chính sách của Trường. Trong trường hợp các bài nghiên cứu chưa được chủ động phát hiện có vi phạm về tiêu chuẩn đạo đức, quyền tác giả, liêm chính học thuật hoặc xung đột về lợi ích, xung đột về vai trò đóng góp của các tác giả, xung đột về chính sách khác, Trường sẽ xem xét, ban hành kết luận vi phạm và có hình thức xử lý vi phạm tương ứng cụ thể gồm: Yêu cầu người nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu sửa chữa, điều chỉnh bài nghiên cứu, hủy bài, xóa bài và không nhận đăng bài của người nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu có bài vi phạm từ 01 - 02 năm hoặc có các hình thức xử lý khác theo quy định của Trường.

CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của Phòng Khoa học Công nghệ

Phòng Phòng Khoa học Công nghệ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các sản phẩm khoa học không vi phạm liêm chính học thuật; nhiệm vụ cụ thể:

Đề xuất các công cụ xác định, ngăn ngừa những vi phạm pêm chính học thuật mà mức độ xử lý đối với từng sản phẩm học thuật cụ thể trong nghiên cứu khoa học để người nghiên cứu tuân thủ nhằm đảm bảo uy tín học thuật của Trường.

Phổ biến, tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn người nghiên cứu những kỹ năng đảm bảo pêm chính học thuật trong nghiên cứu khoa học.

Sử dụng phần mềm chống đạo văn theo yêu cầu của Trường để phát hiện các trường hợp đạo văn đối với các sản phẩm khoa học và báo cáo Hiệu trưởng xử lý.

Điều 9. Trách nhiệm của Phòng Thanh tra, Pháp chế

Hàng năm, Phòng Thanh tra, Pháp chế lập kế hoạch hậu kiểm cụ thể cho từng hoạt động nghiên cứu khoa học trình Hiệu trưởng phê duyệt và triển khai thực hiện.

Phối hợp với Phòng Tổ chức Hành chính và Tổng hợp thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm liêm chính học thuật theo Quy định này. Định kỳ báo cáo Hiệu trưởng về kết quả thực hiện.

 

PHỤ LỤC 1. QUY TRÌNH SỬ DỤNG PHẦN MỀM ĐỂ PHÁT HIỆN ĐẠO VĂN

Phần mềm phát hiện đạo văn

PHỤ LỤC 2. ÁP DỤNG LIÊM CHÍNH HỌC THUẬT TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

 

TT

Tên sản phẩm
học thuật

Trách nhiệm và hình thức kiểm tra phát hiện

Hình thức xử lý theo các
mức độ vi phạm

1

Sản phẩm nghiệm thu cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp

Phòng KHCN phát hiện khi làm thủ tục nghiệm thu

Khi xác định là trùng lặp từ 30% trở lên sẽ không được nghiệm thu

2

Sản phẩm nghiệm thu cho giáo trình và sách phục vụ đào tạo

Phòng KHCN phát hiện khi làm thủ tục nghiệm thu

Khi xác định là trùng lặp từ 30% trở lên (đối với sản phẩm xuất bản lần đầu), hoặc từ 70% trở lên (đối với sách tái bản) sẽ không được nghiệm thu

3

Các sản phẩm khoa học khác bị phát hiện đạo văn, gian lận,…

Theo đơn tố cáo/ khiếu nại

Đề xuất Hiệu trưởng thành lập Hội đồng thẩm định tính liêm chính trong NCKH, Hội đồng căn cứ kết quả thẩm định để quyết định các hình thức xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành

4

Các trường hợp vi phạm liêm chính trong NCKH khác

Theo đơn tố cáo/ khiếu nại

Đề xuất Hiệu trưởng thành lập Hội đồng thẩm định tính liêm chính trong NCKH, Hội đồng căn cứ kết quả thẩm định để quyết định các hình thức xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành

PHỤ LỤC 3. ÁP DỤNG LIÊM CHÍNH HỌC THUẬT TRONG XUẤT BẢN BÀI BÁO KHOA HỌC

 

TT

Tên sản phẩm
học thuật

Trách nhiệm và hình thức kiểm tra phát hiện

Hình thức xử lý theo các
mức độ vi phạm

1

Bản thảo chưa qua

sơ loại

Ban biên tập

Phát hiện các dấu hiệu rõ ràng của đạo văn, ban biên tập từ chối tiếp nhận bản thảo

2

Bản thảo trong quá trình phản biện

Chuyên gia phản biện đánh giá

Ban biên tập theo dõi

Nếu phát hiện dấu hiệu rõ ràng của hành vi đạo văn, chuyên gia phản biện quyết định từ chối duyệt đăng

Nếu phát hiện dấu hiệu rõ ràng của hành vi thao túng phản biện, Ban biên tập sẽ mời thêm chuyên gia phản biện khác. Trong trường hợp không mời được chuyên gia phù hợp, Tổng biên tập sẽ xem xét ý kiến phản biện bị nghi ngờ để ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối

bản thảo

3

Bản thảo sau khi có kết quả phản biện đang chờ duyệt đăng

Chuyên gia bên ngoài tố cáo hoặc khiếu nại

Khi có chuyên gia bên ngoài tố cáo hoặc khiếu nại bản thảo vi phạm liêm chính học thuật, Ban biên tập sẽ xác minh tính chính xác của tố cáo hoặc khiếu nại. Khi có kết luận vi phạm, ban biên tập sẽ từ chối duyệt đăng

4

Bài báo đã

xuất bản

Chuyên gia bên ngoài tố cáo hoặc khiếu nại

Khi có chuyên gia bên ngoài tố cáo hoặc khiếu nại bài báo vi phạm liêm chính học thuật, Ban biên tập sẽ trình Hiệu trưởng lập Ban thẩm định với thành phần là những thành viên thuộc Hội đồng biên tập tạp chí. Khi có kết luận vi phạm, Tổng biên tập sẽ có quyết định rút bài báo đã xuất bản. Thông tin chi tiết về vi phạm liêm chính học thuật sẽ được gửi đến người nghiên cứu cũng như cơ quan, đơn vị có liên quan