Quy trình phản biện

Chính sách phản biện kín:

Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp (sau đây gọi là “Tạp chí”) áp dụng hình thức phản biện kín theo chuẩn mực tạp chí khoa học tại Việt Nam.

Các bài báo sau khi được nhận vào quy trình phản biện của Tạp chí sẽ được Ban biên tập phân loại chủ đề nghiên cứu trước khi chuyển sang chuyên gia phản biện; trong đó, chuyên gia phản biện được lựa chọn theo các tiêu chí quan trọng, bao gồm: Đúng chuyên môn và phù hợp trình độ phản biện tương ứng với từng chủ đề nghiên cứu. Theo đó, trong suốt quá trình phản biện, người phản biện bài viết không được biết thông tin về tác giả bài viết và ngược lại.

Quy trình phản biện Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế Công nghiệp được chia làm 3 giai đoạn: (1) Giai đoạn 1 - Sơ loại; (2) Giai đoạn 2 - Phản biện; và (3) Giai đoạn 3 - Duyệt đăng. Các giai đoạn được thực hiện như sau:

Giai đoạn 1 - Sơ loại

Sau khi tác giả gửi bài trực tuyến thành công, Ban biên tập sẽ gửi thư xác nhận để thông báo về tình trạng bài báo. Đồng thời, bài báo sẽ được xử lý qua 2 công đoạn: (1) Kiểm tra tính trùng lắp nghiên cứu; và (2) Kiểm tra mức độ đáp ứng về hình thức của bài báo đối với Quy định về cấu trúc và hình thức bài báo khoa học gửi đăng Tạp chí. Kết quả sơ loại có thể là:

  • Chấp nhận sơ loại: Nếu bài báo đáp ứng các tiêu chí đặt ra của 2 công đoạn trên, tác giả sẽ nhận được thư phản hồi thông báo bài báo đã được chuyển vào quy trình phản biện của Tạp chí.
  • Từ chối sơ loại: Nếu bài báo vẫn chưa các đáp ứng tiêu chí đặt ra của 2 công đoạn trên, tác giả sẽ nhận được thư (qua email) phản hồi thông báo tiếp theo về tình trạng bài báo: (1) Từ chối nhận bài; hoặc (2) Chỉnh sửa gửi lại.

Tòa soạn sẽ xử lý và thông báo cho tác giả kết quả sơ loại trong vòng 2 ngày làm việc (trừ ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ).

Giai đoạn 2 - Phản biện

Sau giai đoạn 1 sơ loại, Ban biên tập sẽ lựa chọn và gửi cho các phản biện: Phản biện 1 hoặc/và Phản biện 2. Các phản biện sẽ làm việc nghiêm túc để cho ý kiến nhận xét bài báo căn cứ vào các tiêu chí cụ thể để thẩm định bài viết. Tổng thể nội dung phản biện tập trung vào những nội dung chính sau:

  • Đánh giá về hình thức và kết cấu của bài báo khoa học
  • Đánh giá về độ phù hợp của cơ sở lý thuyết sử dụng trong nghiên cứu
  • Đánh giá về phương pháp nghiên cứu
  • Đánh giá về độ tin cậy của dữ liệu nghiên cứu
  • Đánh giá về ý nghĩa khoa học và thực tiễn của bài báo

Kết luận của giai đoạn phản biện có thể là:

  • (1) Từ chối (Cần giải thích rõ lý do trong bản thẩm định)
  • (2) Chấp nhận đăng mà không cần sửa đổi
  • (3) Chỉnh sửa – chỉnh sửa quan trọng hoặc ít quan trọng (diễn giải các nội dung cần chỉnh sửa; đồng thời, ghi chú rõ cho Ban biên tập biết người phản biện có cần xem lại bài báo đã chỉnh sửa hay không).

Tác giả nhận được nhận xét phản biện nên cố gắng chỉnh sửa cẩn trọng và nhanh chóng và gửi lại để chuyển phản biện xem xét.

Thời gian phản biện đọc và gửi lại nhận xét: Từ 1 đến 10 ngày, tính từ ngày Tòa soạn gửi cho người phản biện (Một số trường hợp đặc biệt, Tòa soạn có thể đề nghị phản biện đọc và cho ý kiến nhận xét nhanh hoặc kéo dài hơn).

Thời gian tác giả chỉnh sửa và gửi lại bài báo: Từ 1 đến 14 ngày, tính từ ngày Tòa soạn gửi nhận xét cho tác giả (Một số trường hợp đặc biệt, Tòa soạn có thể yêu cầu tác giả chỉnh sửa và gửi lại nhanh hoặc kéo dài hơn).

Thời gian thực hiện xong giai đoạn phản biện: Từ 1 tuần đến 1 tháng, tính từ khi Tòa soạn thông báo nhận bài vào quy trình phản biện (Thời gian có thể kéo dài hơn tối đa 1 tháng trong trường hợp phản biện/tác giả đề nghị gia hạn thời gian được sự chấp nhận của Tổng biên tập).

Giai đoạn 3 - Duyệt đăng

Tổng biên tập Tạp chí sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng (duyệt đăng hay từ chối xuất bản) khi:

  • (1) Phản biện đồng ý: Tác giả sẽ được thông báo (qua email) khi Tổng biên tập đồng ý với ý kiến của phản biện và bài báo sẽ được đưa vào danh sách chờ duyệt đăng.
  • (2) Phản biện không đồng ý: Trường hợp này ban biên tập sẽ thông báo kết quả với tác giả (qua email) nêu cụ thể lý do bài báo không được đăng.

Quy trình phản biện bài báo như sau:

Quy trình phản biện bài báo