Quyền tác giả và sở hữu trí tuệ

Điều 1. Xung đột về quyền tác giả:

Tạp chí có quyền công bố, xuất bản bài viết của các tác giả trên các ấn phẩm của Tạp chí. Tác giả có quyền tác giả theo Luật Sở hữu Trí tuệ ở Việt Nam và các quy định của các tổ chức quốc tế khác về quyền tác giả mà Tạp chí là thành viên. Nếu tác giả xuất bản bài báo đã được tạp chí phản biện, biên tập, xuất bản dưới một ấn phẩm khác, thì phải được sự cho phép của Tạp chí.

Tác giả bài viết là một cá nhân hay là tập thể tác giả bao gồm nhiều cá nhân đứng tên người viết bài viết (sau đây gọi chung là tác giả). Tác giả bài viết phải là người thực sự tham gia, đóng góp hình thành bài viết.

Việc sắp xếp thứ tự tác giả được liệt kê trên bài viết là do sự thống nhất của tập thể tác giả. Tác giả có tên xuất hiện đầu tiên trong danh sách tác giả được xem là tác giả chính của bài viết. Các tác giả còn lại là đồng tác giả của bài viết. Tác giả đại diện liên lạc với Tòa soạn để trao đổi các vấn đề liên quan đến việc gửi, chỉnh sửa, biên tập, và xuất bản bài viết có thể là tác giả chính, hoặc là tác giả bất kỳ. Việc xác định tác giả liên lạc (corresponding author) là do tập thể tác giả quyết định và chịu trách nhiệm. Tác giả và đồng tác giả bài viết chịu trách nhiệm kiểm tra cẩn thận danh sách tên tác giả và thứ tự tên các tác giả trong danh sách đó trước khi nộp bản thảo bài viết cho Tạp chí. Việc bổ sung, xóa, thay đổi thứ tự tên tác giả bài viết (nếu có) phải thông qua sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong nhóm tác giả, và phải được sự đồng ý của Tổng biên tập và được thực hiện theo quy định của Tạp chí.

Điều 2. Xung đột về lợi ích tiềm ẩn:

Tác giả liên hệ đại diện thay mặt nhóm các đồng tác giả công bố bất kỳ lợi ích tài chính và/hoặc phi tài chính cạnh tranh nào có khả năng tác động đến công trình nghiên cứu.

  • Các nguồn hỗ trợ tài chính: Việc thực hiện nghiên cứu hoặc chuẩn bị hình thành bài viết được hỗ trợ về mặt tài chính (nếu có) cần được phải được công bố rõ:
    • Kinh phí hỗ trợ nghiên cứu (bao gồm tiền lương, thiết bị, vật tư và các chi phí khác.
    • Nhân sự/Việc làm các cơ quan/tổ chức hỗ trợ nhóm tác giả để xây dựng nên nghiên cứu khoa học này.
    • Cam kết trả lương, chi phí tư vấn, tham vấn hoặc các hình thức thù lao khác.
    • Bằng sáng chế hoặc đơn đăng ký áp dụng bằng sáng chế.
    • Trợ cấp hoặc nguồn tài trợ khác.
  • Các nguồn hỗ phi tài chính có thể dưới các hình thức khác nhau, bao gồm các quan hệ cá nhân hoặc nghề nghiệp với các tổ chức và cá nhân. Các tác giả cũng cần phải công bố tên các tổ chức, cá nhân tài trợ cho nghiên cứu, hoặc có đóng góp về nội dung và hình thức cho bài viết (ý tưởng, thiết kế, thu thập dữ liệu, phân tích, chuẩn bị bản thảo, etc.).

Về phía Tạp chí, Tạp chí tuân thủ nghiêm ngặt chính sách độc lập trong sơ duyệt, phản biện, biên tập, xuất bản, không bị chi phối bởi bất kỳ thỏa thuận nào với bên thứ ba hoặc nhà tài trợ quảng cáo.

Điều 3. Tiêu Chuẩn Đạo Đức:

Tác giả không gửi đến Tòa soạn những bài viết đã được đăng tải ở các tạp chí, kỷ yếu khoa học, các ấn phẩm khác, đã được xuất bản ở dạng tóm tắt hay toàn văn, dưới dạng bản in hay bản điện tử. Tác giả không gửi bài viết đến tạp chí, ấn phẩm có xuất bản khác cho đến khi có quyết định không được xét duyệt xuất bản của Tòa soạn.

Tạp chí tuân thủ theo tiêu chuẩn đạo đức và sở hữu trí tuệ của các Tổ chức Quốc tế mà Tạp chí là thành viên, cũng như tuân thủ theo các văn bản pháp luật về Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Đối với các công trình nghiên cứu liên quan tới hóa chất, quy trình, thiết bị nguy hại, Tác giả cần tuyên bố rõ ràng trong bài viết về việc tuân thủ đúng các thủ tục của pháp luật Việt Nam, các hướng dẫn của các tổ chức quốc tế có liên quan.

Trong trường hợp đối tượng nghiên cứu là động vật hoặc con người, nghiên cứu liên quan đến người tham gia nghiên cứu phải được thực hiện theo Tuyên bố của Helsinki. Ngoài ra, Tác giả cũng cần phải đảm bảo rằng công trình nghiên cứu trên con người tuân thủ các quy định của Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An. Nếu nghiên cứu đã được cho phép miễn trừ yêu cầu phê duyệt về mặt đạo đức, các chi tiết miễn trừ phải được đưa vào bài viết. Việc thử nghiệm này cũng cần phải được chủ thể đồng thuận thực hiện. Các quyền riêng tư, bảo mật cá nhân (thông tin cá nhân, hình ảnh, etc.), nếu được sử dụng trong bài viết, cần phải được chủ thể đồng ý cho phép. Các biện pháp hợp lý phải được thực hiện để bảo vệ sự ẩn danh của đối tượng tham gia.  Bài viết phải bao gồm một tuyên bố xác định tổ chức và/hoặc ủy ban cấp phép phê duyệt các thử nghiệm, bao gồm mọi chi tiết liên quan.

Điều 4. Sở Hữu Trí Tuệ:

Để nâng cao chất lượng của các công trình nghiên cứu được công bố bởi Tạp chí, bài viết được duyệt đăng phải tuân thủ các quy định về trích dẫn, tài liệu tham khảo, nguồn dữ liệu, tuân thủ quy định tối đa các điều kiện về tính tương đồng, trùng lắp theo quy định mà Tạp chí đã công bố. Tác giả tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bài viết, bản quyền sử dụng tài liệu, dữ liệu, hình ảnh, bản quyền được sử dụng trong bài viết. Các tài liệu tham khảo được sử dụng trong bài viết nên được trích dẫn, liệt kê đầy đủ và chi tiết ở phần danh mục tài liệu tham khảo. Các thông tin cá nhân của người được trao đổi, thảo luận nếu được đưa vào bài viết thì phải có sự chấp thuận của người được trao đổi, thảo luận.

Đạo văn là việc sử dụng có hoặc không có chủ ý của Tác giả các sản phẩm học thuật về các câu văn, đoạn văn, bài viết, số liệu, hình ảnh, thông tin và ý tưởng của người khác vào các sản phẩm của mình mà không có những chỉ dẫn/thừa nhận từ Tác giả của những nội dung đã sử dụng. Đạo văn là một lỗi nghiêm trọng về tiêu chuẩn đạo đức khoa học, mà luật pháp (sở hữu trí tuệ) và các cơ sở đào tạo không thể bỏ qua. Đạo văn được thực hiện dưới nhiều hình thức:

  • Sao chép một lượng nhất định tác phẩm của người khác (bao gồm cá nhân, nhóm người, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức khác) mà không trích dẫn nguồn cụ thể.
  • Sao chép quá nhiều công trình nghiên cứu của người khác (mặc dù có trích dẫn nguồn) để hình thành nên công trình của bản thân.
  • Cung cấp không chính xác về tác giả, nguồn của thông tin được trích dẫn công bố công trình của người khác.
  • Trình bày lại ý tưởng của người khác dưới cách hành văn cá nhân.
  • Ngoài ra, việc sử dụng các phần quan trọng của những sản phẩm học thuật của mình đã công bố vào những sản phẩm học thuật mới do mình là Tác giả hoặc đồng Tác giả mà không ghi rõ nguồn, gọi là “đạo văn chính mình” (bao gồm việc xuất bản một bài báo giống hệt nhau trên nhiều tạp chí, hoặc thêm một lượng nhỏ dữ liệu mới vào một bài báo đã xuất bản trước đó).
  • Tạp chí sử dụng phần mềm Turnitin để kiểm tra sự trùng lắp, sao chép trong các sản phẩm học thuật và chỉ rõ nguồn đã được sao chép.

Điều 5. Xử lý vi phạm:

Sau khi bài viết đã qua khâu sơ duyệt, đang trong quá trình phản biện, biên tập, duyệt đăng, duyệt xuất bản nếu chính bản thân tác giả, thành viên trong tập thể tác giả phát hiện ra bất kỳ sự vi phạm về tiêu chuẩn đạo đức và sở hữu trí tuệ, xung đột về lợi ích, xung đột về vai trò sự đóng góp của các tác giả, xung đột về chính sách khác của Tạp chí, cần phải thông báo đến Tòa soạn bằng văn bản và kèm theo các minh chứng vi phạm. Tòa soạn sẽ xem xét và có kết luận về việc rút/hủy bài viết, không tiếp tục các khâu khác theo các quy trình công việc của Tạp chí và thông báo đến tác giả liên lạc. Trong trường hợp bài báo có kết luận vi phạm, bài viết sẽ bị rút khỏi cơ sở dữ liệu của Tạp chí.

Tòa soạn sẽ thông báo đến tác giả, công bố trên trang thông tin điện tử của Tạp chí ở mục thông báo tên bài báo bị rút và lý do vi phạm các chính sách của Tạp chí.  Đối với các bài viết không được chủ động phát hiện vi phạm về tiêu chuẩn đạo đức và sở hữu trí tuệ, xung đột về lợi ích, xung đột về vai trò sự đóng góp của các tác giả, xung đột về chính sách khác của Tạp chí, Tòa soạn sẽ xem xét, có kết luận vi phạm và có hình thức xử lý vi phạm tương ứng: Yêu cầu tác giả sửa chữa, điều chỉnh bài viết, hủy bài, xóa bài, thông báo trên trang thông tin điện tử của Tạp chí, không nhận đăng bài của các Tác giả có bài vi phạm từ 01-02 năm hoặc có các hình thức xử lý khác theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, Luật báo chí, Luật xuất bản của Việt Nam.

Điều 6. Chính sách bảo mật thông tin cá nhân:

Tạp chí cam kết thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng. Tạp chí cam kết chỉ sử dụng các thông tin mà người dùng (tác giả, độc giả, biên tập viên, người phản biện) cung cấp trên trang thông tin điện tử của Tạp chí vào các mục đích đã được tuyên bố. Tạp chí sẽ không cung cấp cho bất kỳ bên thứ ba nào khác, hay dùng vào bất kỳ mục đích nào khác trừ trường hợp phải cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.

Các tác giả cần đảm bảo sự bảo mật trên tất cả các tài liệu, các nội dung phản biện, biên tập do Toà soạn chuyển cho tác giả.

Người phản biện có trách nhiệm bảo đảm tính bảo mật cho tất cả các tài liệu trong quá trình phản biện. Chuyên gia phản biện không được chia sẻ các đánh giá hoặc thông tin về bài viết với bất kỳ ai hoặc liên hệ trực tiếp với tác giả mà không có được sự đồng ý của Tổng biên tập. Các chuyên gia phản biện không được sử dụng thông tin bài viết cho mục đích cá nhân.